Chỉ có thể xem y tế như một loại hình dịch vụ thì mới có thị trường cạnh tranh và việc ứng dụng công nghệ thông tin nhờ đó mới có thể mang lại hiệu quả cao.
Cho đến nay việc triển khai công nghệ thông tin (CNTT) tại các bệnh viện, cơ quan y tế được xem là một lĩnh vực đặc thù. Tính đặc thù này tạo ra một sân riêng cho các nhà cung cấp phần mềm trong nước vì sản phẩm chủ yếu “may đo” để phù hợp với quy trình của mỗi đơn vị. Việc đầu tư cho hệ thống CNTT mới dừng lại chủ yếu ở nhu cầu đơn giản hoá các thủ tục hồ sơ, cải tiến quy trình khám chữa bệnh và nâng cấp trình độ quản lý bệnh viện.
Sự khác biệt giữa cung – cầu
Số lượng doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho ngành này hiện nay không nhiều, nổi bật có thể kể như Medisoft của Links Toàn Cầu; FPT.eHospital của FPTSoft; Nano - Hospital của Công ty Nanosoft, Ykhoa.net của công ty điện toán y khoa Hoàng Trung; VIMES của công ty phần mềm y tế Việt Nam… Tính ra số lượng công ty mới tham gia vào thị trường này trong vài năm qua không nhiều. Những doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm cũng chưa mấy thành công về phương diện kinh doanh.
TS. Lương Chí Thành, viện trưởng viện Công nghệ thông tin cho biết, các cơ sở y tế vẫn đang chủ yếu sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, vật tư tài chính, công văn… Hiện có khoảng 65% bệnh viện công đang ứng dụng phần mềm báo cáo thống kê Medisoft 2003. Một số phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện do các công ty tin học xây dựng đã triển khai thành công tại khoảng 20% bệnh viện. Về chủ trương, ngành y tế dành khoảng 1% tổng kinh phí để phát triển ứng dụng CNTT và đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm nhưng thực tế còn nhiều bất cập. Đến nay chưa có hạ tầng mạng WAN để đảm bảo cho việc triển khai cơ sở dữ liệu y tế quốc gia. Bộ chưa có kho cơ sở dữ liệu chung của ngành để đáp ứng cho việc quản lý. Chính vì cơ sở dữ liệu manh mún và thiếu đồng bộ nên khó có thể phát huy được thế mạnh của CNTT.
Cần xem y tế như một loại hình dịch vụ
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện cho biết, thị trường y tế tiềm năng là nơi những phần mềm lớn của nước ngoài khó thể đáp ứng. Tuy nhiên việc tham gia kinh doanh tại đây không dễ dàng vì đây không phải là ngành cạnh tranh, nên các đơn vị đầu tư không chịu sức ép của thị trường như các doanh nghiệp. Việc ứng dụng chủ yếu để quản lý chứ chưa nhằm phục vụ khách hàng như mô hình của doanh nghiệp. Chính vì thế khả năng bứt phá là rất khó. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xoay trở nhiều năm nhưng chưa thấy hướng kinh doanh khả quan. Chính vì vậy, sau nhiều năm số doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp ở thị trường này không mấy phát triển. Không có nhiều doanh nghiệp đủ khả năng đi đường dài vì lo ngại đầu tư vào các hệ thống CNTT công thiếu tính khả dụng.
Trong khi hệ thống các cơ sở y tế ngoài công lập rất năng động ứng dụng CNTT để cung cấp dịch vụ y tế và quản lý nội bộ thì các tổ chức, bệnh viện công đang tụt hậu bởi nhiều hạn chế do thiết kế tổng thể ứng dụng CNTT còn thiếu hoặc chất lượng không cao. Các chuẩn thông tin y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ vì vậy nhiều đơn vị đã không thành công, chưa kết nối được bảo hiểm y tế vì chưa thể thống nhất mã bệnh nhân, mã bảo hiểm trên phạm vi ứng dụng toàn quốc.
(Sưu tầm)